Lysaght

ỨNG DỤNG ESG VÀO XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU BỀN VỮNG LÀ CẦN THIẾT

Ngày 30 tháng 07 năm 2024

Theo các chuyên gia, thực hành ESG có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực, có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu tiên và dễ dàng thâm nhập thị trường. Đây cũng là công cụ xây dựng thương hiệu bền vững cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Phát triển bền vững gắn với thực hành ESG (Môi trường, xã hội và quản trị), tiến hóa từ khái niệm CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiêp), là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và được nhắc đến ngày một nhiều hơn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế đang có sự nhầm lẫn trong việc truyền thông các hoạt động thiện nguyện, marketing sản phẩm và CSR. Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi giao lưu giữa các thành viên Câu lạc bộ Kiến tạo thương hiệu về chủ đề Ứng dụng ESG vào xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững diễn ra ngày 26-7.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia tư vấn chiến lược cao cấp, Chủ tịch MVV Group, cho biết các hoạt động từ thiện của doanh nghiệp là sự đồng cảm, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn mà doanh nghiệp cho rằng cần giúp đỡ. Trên nguyên tắc khi thực hiện sẽ không được truyền thông. Nguyên nhân là việc dùng hình ảnh những người yếu thế, người gặp hoàn cảnh khó khăn để quảng bá tên tuổi doanh nghiệp sẽ gây phản cảm với cộng đồng.

Với hoạt động marketing dựa trên các vấn đề xã hội, đó là hoạt động quảng bá rộng rãi các sản phẩm của doanh nghiệp đến với cộng đồng. Trong khi đó, CSR là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần được truyền thông vào bên trong từng đơn vị.

Buổi giao lưu giữa các thành viên Câu lạc bộ Kiến tạo thương hiệu về chủ đề Ứng dụng ESG vào xây dựng chiến lược thương hiệu bền vững diễn ra ngày 26-7. Ảnh: Minh Anh

Ông Sơn phân tích, để làm ra của cải vật chất, doanh nghiệp sử dụng dùng nguồn lực của đơn vị nhưng đồng thời cũng dùng nguồn lực của chung xã hội. Do đó, doanh nghiệp có hai trách nhiệm, đó là phải tiết kiệm và bù đắp lại nguồn lực chung đã sử dụng.

“Khi xây dựng thương hiệu từ thực hành ESG, tiến hóa từ khái niệm CSR, điều đầu tiên, doanh nghiệp cần nhìn nhận đây không phải việc làm vì thích mà điều đó đúng đắn, cần thiết cho xã hội và chính doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều cách thức biến ESG thành công cụ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp”, Chủ tịch MVV Group chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Ngô Phi Phụng, Giám đốc Công ty tư vấn Metta Marketing, cho rằng ESG có các tiêu chuẩn cụ thể hơn CSR. Đáng chú ý, nếu doanh nghiệp thực hành ESG chỉ vì nghĩa vụ sẽ không có tác động, hiệu quả gì đáng kể.

“Khi chúng ta làm việc bằng trái tim, ý định tốt thật sự thì mới mang đến cảm xúc cho đối tác, khách hàng và quyết định mua hàng của phần lớn người tiêu dùng đến từ cảm xúc. Do đó, khi đánh được vào cảm xúc khách hàng thì mới mang đến những kết quả bền vững”, Giám đốc Công ty tư vấn Metta Marketing nêu quan điểm.

Theo ông Sơn, ESG có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tối ưu hóa hoạt động, nhờ đó có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu tiên, đồng thời giúp doanh nghiệp có được lợi thế xuất hàng ra nước ngoài như một công cụ thâm nhập thị trường.

“Nếu doanh nghiệp nhận thấy các lợi ích này của ESG thì nó sẽ bền vững”, ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Vậy, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp xây dựng thông điệp hoạt động ESG và truyền thông ra bên ngoài như thế nào để không bị gọi là “tẩy xanh” thương hiệu?

Chia sẻ về điều này, bà Trần Thị Liễu Vinh, phụ trách phát triển bền vững Công ty CP Xây dựng Coteccons, cho biết: “Quan điểm thực hành ESG của doanh nghiệp là làm thật nói thật, cái gì sai sẽ sửa sai”.

Theo bà Vinh, để lan tỏa ra các thông điệp ESG ngoài, trước tiên, phải truyền thông nội bộ để tất cả nhân sự phải hiểu và biết về các hoạt động ESG của đơn vị và quan trọng là biết nội lực của doanh nghiệp như thế nào.

Ở góc độ chuyên gia tư vấn, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết xây dựng văn hóa ESG trong doanh nghiệp là cần thiết, đó là công cụ phát triển thương hiệu. ESG là việc thực hành thường xuyên, do đó, khi truyền thông phải cho đối tượng liên quan hiểu là doanh nghiệp đang trong trong quá trình thực hiện. Đồng thời cần ưu tiên hoạt động truyền thông cho cộng đồng gần gũi như nhân viên, đối tác, khách hàng.

“Việc hỗ trợ họ xây dựng và thực hành tiêu chuẩn ESG là điều dễ tạo ra sự ảnh hưởng và được công nhận”, Ông Nguyễn Thanh Sơn, chuyên gia tư vấn chiến lược cao cấp nhấn mạnh.

Câu lạc bộ Kiến tạo Thương hiệu được thành lập vào tháng 12-2023. Mục tiêu hoạt động của câu lạc bộ là kết nối, chia sẻ và khơi nguồn sáng tạo cho các doanh nhân nhằm kiến tạo thương hiệu thông qua việc thực hành ESG, phát triển bền vững một cách kiên định và có đạo đức. Qua đó, các doanh nhân có thể cùng nhau định hình lại quan điểm về thương hiệu Việt trong mắt người tiêu dùng và vun đắp nên những giá trị đích thực, khác biệt cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.

Câu lạc bộ Kiến tạo thương hiệu trực thuộc Câu lạc bộ Saigon Times (Saigon Times Club) kỳ vọng trở thành điểm đến quan trọng cho các thành viên cùng nhau học hỏi và phát triển trên con đường thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu và doanh nghiệp.

(Theo: thesaigontimes.vn)

MENU